Tác động Bão Thelma (1991)

Bão nhiệt đới Thelma trên Visayas trong ngày 5 tháng 11

Bão Thelma tấn công Philippines chỉ năm tháng sau vụ phun trào Ultra-Plinian của núi Pinatubo. Sự kiện này đã làm khoảng 800 người thiệt mạng và gần 1 triệu người mất nhà cửa. Báo cáo cho thấy chính phủ Philippines đã phải rất khó khăn để đối phó với quy mô của thảm họa và sự xuất hiện của Thelma càng làm tình hình thêm tồi tệ.[8]

Thelma đổ bộ Philippines với cấp độ bão nhiệt đới yếu, vận tốc gió giật tại Tacloban đạt 95 km/giờ (60 dặm/giờ);[9] và thiệt hại do gió không được biết đến. Sự tàn phá chủ yếu đến từ lượng mưa khổng lồ mà cơn bão mang lại. Trên toàn Visayas đều có mưa với lượng hơn 150 mm (6 in) dẫn đến lũ trên diện rộng.[4] Tại Tacloban xảy ra mưa với lượng 140,2 mm (5,52 in) trong hơn 24 giờ liên tục. Mưa lớn nhất diễn ra tại đảo Leyte, do hiện tượng orographic lift [nb 2] mang một lượng ẩm lớn vào bầu khí quyển phía trên một vùng có diện tích tương đối nhỏ. Thêm vào đó, gió mùa Tây Nam hội tụ phía trên hòn đảo cũng làm tăng thêm lượng hơi nước ngưng tụ. Gần thành phố Ormoc, vũ kế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Philippines đo được lượng mưa cao nhất do cơn bão gây ra là 580,5 mm (22,85 in). Theo đó, mưa với lượng xấp xỉ 500 mm (20 in) diễn ra trong suốt 3 tiếng buổi trưa ngày 5 tháng 11.[7] Ban đầu, người dân nghĩ rằng các waterspout (vòi rồng trên mặt nước) đã vận chuyển một lượng nước lớn lên hòn đảo, tạo ra lũ lụt. Tuy nhiên quan niệm này đã nhanh chóng bị bác bỏ như là điều không thể xảy ra.[10]

Khu vực chịu tổn thất nặng nề nhất là Leyte, với hơn 4.000 người thiệt mạng. Tổng cộng có 4.446 ngôi nhà bị phá hủy và 22.229 ngôi nhà khác bị hư hại. Tổn thất về nhân mạng và vật chất lớn nhất xảy ra tại Ormoc, nơi hứng chịu sự tàn phá của lũ quét. Ngoài thành phố này, có ít nhất 81 người thiệt mạng và 14 người khác mất tích; tại Burauen có 42 người chết.[10] Toàn bộ đảo Leyte rơi vào tình trạng mất điện và nhiều địa điểm đã bị cô lập do các con đường bị nước lũ cuốn trôi.[11] Ngoài ra còn có 78 người chết và 70 người khác mất tích tại tỉnh Negros Occidental. Tổng cộng có 598.454 người chịu ảnh hưởng và ước tính 43.000 người mất nhà cửa trên toàn Philippines bởi cơn bão.[12][13]

Thảm kịch tại Ormoc

Vị trí của Ormoc trên đảo Leyte

Thảm kịch tồi tệ nhất trong cơn bão diễn ra tại thành phố Ormoc sau khi mưa quá lớn làm quá tải vùng lưu vực Anilao–Malbasag dẫn đến nước lũ đổ xô xuống từ những bên sườn núi không có rừng che phủ do bị chặt phá.[14] Lượng nước này chảy vào hai con sông Anilao và Malbasag nằm về phía Bắc Ormoc.[15] Vùng lưu vực đầu nguồn bao phủ một diện tích 4.567 hecta, trong đó diện tích rừng chỉ chiếm 3,3%; phần còn lại được sử dụng cho mục đích nông nghiệp và tư nhân.[14] Theo một nghiên cứu vào năm 1990, khoảng 90% diện tích đất lưu vực đã được chuyển đổi sang để trồng dừamía. Phần lớn diện tích đất này bị khai thác một cách không hợp lý và không đúng cách kể từ thập niên 1970, là nguyên nhân góp phần khiến tình hình tồi tệ hơn.[16] Thêm vào đó, cấu trúc tự nhiên của những ngọn núi cũng góp phần làm gia tăng lũ lụt, với một vài khu vực sườn dốc đứng chiếm tới 60%. Khi mưa lớn xảy ra, đặc điểm này dẫn tới hơn hai phần ba dãy núi trở nên bất ổn, nguy cơ xảy ra lũ cao.[15] Trước thời điểm những trận mưa lớn nhất diễn ra khoảng hai tiếng, đất ở lưu vực đã trở nên bão hòa, làm giảm đáng kể khả năng hấp thụ nước từ những trận mưa kế tiếp. Hậu quả là lũ lụt xảy ra ngay sau cơn mưa lớn với lượng 167 mm (6,6 in) một giờ. Hàng loạt các trận lở đất có quy mô bề rộng dao động từ 50 đến 100 m (160 đến 330 ft) xuất hiện khắp mọi nơi trong vùng.[14] Nhìn chung lượng mưa là nhiều gấp đôi so với khả năng xử lý của đất và rất nhiều trận lở đất nhỏ đã làm tăng gấp đôi dung tích chất lỏng.[17] Tại những địa điểm khác nhau dọc theo các con sông, xuất hiện những con đập tạm thời được tạo ra từ mảnh vụn, cụ thể là cây bị cuốn trôi, điều này cho phép nước tích tụ lại. Trong một số trường hợp độ sâu của nước đạt tới 10 m (33 ft) trước khi những con đập này sụp đổ.[15] Thông thường, mất khoảng lần lượt 3,6 và 5,6 ngày với hai con sông tương ứng là Anilao và Malbasag để nước có thể chảy tới thành phố Ormoc; tuy nhiên con số này chỉ là một giờ trong lũ.[14]

Thành phố Ormoc nằm tại địa điểm có nguy cơ lũ cao với hai con sông Anilao và Malbasag hội tụ ngay phía Bắc và một điểm ngoặt 90 độ ra phía vịnh của sông Anilao. Bên cạnh yếu tố nguy cơ tự nhiên, các công trình thiết kế nghèo nàn trên sông cũng làm tình hình thêm tồi tệ.[16] Phần lớn các công trình dọc theo sông không chú ý đến mối đe dọa từ lũ lụt, điều này trên thực tế làm tăng mối đe dọa từ hiện tượng này.[17] Các bức tường bê tông và đê được xây dưới sông thay vì hai bên bờ, dẫn đến những mảnh vụn dễ bị chặn làm tắc nghẽn dòng chảy. Ngay sau điểm ngoặt 90 độ là cây cầu Cogon. Cấu trúc này làm hẹp bề rộng sông tới khoảng 50%, góp phần cản trở dòng chảy tạm thời và gây gia tăng lượng nước tích tụ. Điểm ngoặt của sông Anilao đã tạo ra một "hiệu ứng nước đọng tức thời", dẫn tới một lượng nước khổng lồ tràn bờ.[16] Vào khoảng 11:00 trưa giờ địa phương ngày 5 tháng 11, khoảng 22.835 km3 nước đã làm ngập 25 km2 (15,5 dặm2) diện tích thành phố.[12][15] Chỉ trong vòng 15 phút, nước dâng lên cao 2,1 m (7 ft) và dâng thêm đến 3,7 m (12 ft) trong vòng một giờ.[15][18] Trận lũ kéo dài khoảng ba tiếng, để lại lớp bùn dày 0,6 m (2,0 ft).[15]

"Nước vẫn tiếp tục dâng. Chúng tôi đã phải đặt những đứa con của mình lên nóc tủ lạnh. Tuy nhiên nước vẫn cứ dâng, vì vậy tất cả chúng tôi đã trèo lên mái nhà. Nhưng có lẽ chúng tôi đã được ban phước. Tất cả chúng tôi đều sống sót."

Lời kể từ một người Isle Verde sống sót[19]

Thành phố Ormoc đã không hề hoặc ít được cảnh báo về lũ, và tất cả những nạn nhân nằm trên đường đi của nó đều bị cuốn trôi một cách bất ngờ.[20] Rất nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp sinh sống dọc theo hai bên bờ sông, dù đây là khu vực nguy cơ cao. Ngoài ra, những người định cư bất hợp pháp được cho phép sinh sống trong một khu vực dọc theo hai bên bờ sông Anilao được gọi là Isle Verde.[16] Khoảng 2.500 người sống ở đó đã khai hoang khu đất trước khi lũ đến. Phần lớn nạn nhận thiệt mạng là ở dọc theo hai bên bờ sông, đa phần là chết đuối hoặc bị chôn vùi trong bùn và các mảnh vụn. Một người sống sót đã mô tả sự kiện ban đầu như là một con sóng khổng lồ tràn lên bờ và làm ngập thành phố. Cộng đồng người Isle Verde hầu như bị xóa sổ, chỉ còn 200 người sống sót so với số lượng ban đầu 2.500. Với những người còn sống, sự kiện được biết đến như là "Cái chết của Isle".[19] Những người dân đã thông báo về hàng trăm thi thể trôi nổi trên đoạn sông trong khu vực.[18] Dòng nước lũ cuốn theo bùn đất còn làm nứt các bức tường của tòa thị chính.[11] Gần 3.000 ngôi nhà đã bị phá hủy và hơn 11.000 căn khác bị hư hại.[10] Tính riêng tại Ormoc, các quan chức xác nhận có 4.922 người thiệt mạng và từ 1.857 đến 3.000 người khác mất tích.[20][21] Phần lớn số người mất tích này rất có thể đã bị lũ cuốn ra biển và được xem như đã chết.[11] Hai ngày sau cơn bão, đã phát hiện ra vài thi thể trong số đó được sóng đẩy trở lại bờ.[22] Bên cạnh đó còn có 3.020 người bị thương.[10] Các quan chức tuyên bố rằng số người chết có thể lên tới hàng chục ngàn nếu lũ xảy ra ban đêm thay vì giữa trưa như trên thực tế.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão Thelma (1991) http://tcrr.typhoon.gov.cn/EN/Y2012/V1/I1/23 http://www.abs-cbnnews.com/focus/11/08/13/deadlies... http://baseportal.com/cgi-bin/baseportal.pl?htx=/m... http://books.google.com/books?hl=en&lr=&id=Tv1R03t... http://news.google.com/newspapers?id=B-dYAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=B3IjAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=COdYAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=CedYAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=KQ8qAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=XO4eAAAAIBAJ&...